Giới bóng đá chuyên nghiệp sản sinh ra rất nhiều các huyền thoại thế giới. Có những kẻ giữ đền kiệt xuất như Gianluigi Buffon, Oliver Kahn hay David Seaman. Sau đó là lớp phòng vệ vững chãi của Paolo Maldini, Franz Beckenbauer, Roberto Carlos, Patrick Vieira hay Emmanuel Petit . Ở trên là những cây săn bàn thượng hạng Rô Béo, Rô Gầy, M10, đứa con thần gió Thierry Henry, … Ấy vậy mà vẫn còn đó một huyền thoại dù chưa bao giờ thực hiện những đường bóng xẻ đôi khung thành hay có những pha cứu thua đi vào lòng người. Đó là Pierluigi Collina. Vị vua áo đen có ánh nhìn sắc lẹm, có khả năng khiến một kẻ bất trị như Oliver Kahn cũng phải nể sợ. Điều gì đã làm nên một vị trọng tài được nể sợ và kính trọng nhất bộ môn túc cầu? Và tại sao thế giới lại không thể có một người thứ 2 như ông? 
Pierluigi Collina sinh ngày 13/02/1960 tại Bologna, một thành phố thuộc vùng phía bắc Italy. Gia đình có mẹ là giáo viên, cha làm việc trong bộ Quốc Phòng, được nuôi dạy bởi các sơ trong trường và tốt nghiệp bằng kinh tế vào năm 1984. Nhưng niềm đam mê thực sự của ông lại dành cho trái bóng. Ngay từ thuở thiếu thời, ông đã chơi cho một đội bóng địa phương, đảm nhiệm vị trí trung vệ. Collina cho rằng mình sẽ có cơ hội phát triển lớn nhất ở vị trí này, bởi hiếm đứa trẻ nào trong thế hệ của ông chịu đảm đương trọng trách ấy. Tuy vậy, ông vẫn không đạt được nhiều thành công, và cũng là một con người thực tế. Ông nhận ra rằng mình sẽ chẳng bao giờ là một cá nhân xuất chúng với trái bóng tròn trên sân cỏ. Collina đã được mọi người khuyến khích tham gia vào một khóa đào tạo trọng tài vào năm 1977, và ông đồng ý. Trong khóa học này, ông phát hiện ra tài năng thiên bẩm của mình với chiếc áo đen và cây còi chứ không phải quần đùi và áo số. Điều này khiến tất cả mọi người xung quanh phải ngạc nhiên, thậm chí là chính Collina. Ông thể hiện tất cả những phẩm chất và tinh thần mà chúng ta vốn biết ngay từ những năm đầu của sự nghiệp cầm còi. 
Một vài năm tiếp theo, cuộc sống của Collina là một mớ hỗn độn theo đúng nghĩa đen. Collina mới chỉ 20 tuổi khi ông đảm nhiệm vị trí trọng tài chính thức cho những trận đấu đầu tiên của sự nghiệp. Cùng khoảng thời gian đó, ông vẫn đang cố gắng để nhận được bằng Đại Học kinh tế thuộc trường Bologna, và còn phải thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Có lẽ cũng nhờ quãng thời gian trong quân đội khiến Collina hình thành tính kỷ luật và thái độ đầy uy quyền của ông trong các trận đấu. Khi ông sắp hoàn thành thời gian phục vụ quân đội, ông bắt đầu mắc phải hội chứng “alopecia” nghiêm trọng, khiến ông rụng hết tóc, lông mày và có ngoại hình như hiện tại. Vì lý do này mà Collina được mọi người đặt cho biệt danh “Kojak”, do quá giống với nhân vật chính trong TV Series nổi tiếng cùng tên. Hội đồng trọng tài quốc gia Ý đã lo sợ rằng việc mắc phải “alopecia” sẽ ảnh hưởng lớn đến sự tự tin và khả năng làm việc của ông, nhưng Collina là một sự khác biệt.
Tất cả những khó khăn liên tiếp xảy ra vẫn không thể cản bước thăng tiến của Collina trong sự nghiệp cầm còi, ông nhanh chóng được phân công lên giải Serie C1 và C2 của Ý. Chỉ sau 3 mùa, Collina đã lên bắt những trận đấu thuộc giải Serie B và Serie A, giải đấu lớn nhất của Italy. Vào năm 1995, ông đã bắt chính thức tổng cộng 43 trận đấu thuộc Serie A, và trở thành một trọng tài chính thức của Fifa. Kèm theo đó là 5 trận đấu thuộc kỳ Olympic năm 1996, bao gồm cả trận đấu giữa Nigeria và Argentina, một trận đấu điên rồ khi Okocha, Kanu và đồng đội dù đã bị dẫn tới 2 bàn mà vẫn có thể lội ngược dòng để dành chiến thắng trong những phút bù giờ. Tại kỳ World Cup 1998, ông cũng chính là người đã rút thẻ đỏ đưa Kluivert ra đường hầm sau khi huyền thoại này tông cùi trỏ vào Lorenzo Staelens. Sau hàng loạt những màn thể hiện tuyệt vời trong những trận đấu tầm cỡ mà mình đảm nhiệm, Collina nhận được giải IFFHS cho hạng mục trọng tài xuất sắc nhất của năm 1998. Cũng bởi vậy mà ông đã được chọn để cầm còi cho trận chung kết thuộc kỳ UEFA Champions League 1999 giữa hai CLB Bayern Munich và Manchester United. Tất cả những thành tích đó chỉ sau 4 năm ông trở thành trọng tài chính thức của Fifa. Vậy điều gì khiến Collina đạt được thành công lớn trong một khoảng thời gian ngắn như vậy?
Bên cạnh phong thái của ông, Collina còn gây ấn tượng bởi khả năng nói lưu loát bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, giúp ông có thể dễ dàng giao tiếp với bất cứ cầu thủ nào một cách dễ dàng, và còn để có sự đồng cảm sâu sắc hơn với những người đang đứng trên sân. Nhưng điều khiến ông khác biệt với mọi vị trọng tài cùng thời là cách mà ông chuẩn bị cho mỗi trận đấu mà mình đảm nhiệm. Collina tìm hiểu chiến thuật và phong cách của mỗi cầu thủ, dự đoán xem những ai có thể sẽ có va chạm với nhau, tìm hiểu thông tin xem ai sẽ là người có khả năng ăn vạ và thể hiện tài diễn xuất trên sân đấu. Ông cho rằng một vị trọng tài là không thể bị qua mặt bởi bất cứ ai khác trên sân đấu, bạn sẽ cần phải biết một cầu thủ sẽ hành xử thế nào trước khi tình huống đó thực sự xảy ra để đưa ra những quyết định đúng đắn nhất. Phong cách làm việc của Collina đã giúp UEFA giảm thiểu đáng kể số lượng thẻ vàng đưa ra trong giải đấu, và phần nào thiết lập nền móng hoàn toàn mới cho các trọng tài đương đại. 
Trở lại với trận chung kết UCL năm 1999. Trận đấu này có ảnh hưởng lớn tới sự nghiệp của Collina, tới mức cho đến ngày nay, ông vẫn coi đó là trận cầu đáng nhớ nhất mà mình từng đảm nhiệm. Bayern Munich có bàn đầu tiên chỉ 5 phút sau tiếng còi khai cuộc sau khi Mario Basler xuất sắc hạ gục thủ thành Peter Schmeichel. Tỉ số được giữ nguyên cho tới những phút bù giờ. Quỷ đỏ thành Manchester lần lượt ghi 2 bàn bởi Sheringham phút 90+1 và Ole Solskjær phút 90+3. Tình hình trên sân lúc đó theo như chính Collina tường thuật lại, “Các cầu thủ MU điên cuồng ăn mừng ngoài đường biên. Nhưng rồi tôi quay về đằng sau và thấy người Đức gục ngã. Họ bắt đầu khóc trong tuyệt vọng. Tôi thấy Samuel Kuffour quẫn trí, tôi không biết phải làm gì nữa, ngoài việc tiến lại gần và bảo câu hãy đứng dậy và tiếp tục chiến đấu, đồng hồ vẫn còn 20 giây.” Trong bóng đá, điều gì cũng có thể xảy ra. Sau từng ấy năm, Kuffour trả lời với báo chí rằng ông còn không cả dám xem lại trận đấu đó, chỉ cần nghĩ tới thôi cũng khiến ông đau đớn. Rõ ràng là ông cần phải để cho nó qua đi, nhưng nó vẫn ám ảnh ông cho tới tận bây giờ. Nhưng đối với Collina, “Đêm đó, tôi thấy được bộ mặt thật của bóng đá, nơi mà tất cả những người tham gia đều cống hiến toàn bộ sinh mạng cho nó, nhưng chỉ một nửa là được hưởng trái ngọt. Những người còn lại thì gục ngã, đau thấu xương tủy.” Cái đêm ấy giống như một chiến trường và chính ông phải đưa các chiến binh gục ngã trở về. Ngay cả những kẻ vững vàng nhất như Oliver Kahn cũng có trên mình cái nhìn của một kẻ muốn đi ngược về quá khứ. Và người duy nhất đồng cảm với những kẻ bại trận, là Pierluigi Collina. Để rồi 3 năm sau đó, vào năm 2001, Bayern Munich mới có thể dành được chiếc cúp Champion League danh giá sau 25 năm dài chờ đợi. 
Trong 3 năm tiếp theo, Collina tham dự kỳ Euro 2000 do Bỉ và Hà Lan làm đồng chủ nhà, rồi bất đắc dĩ trở thành tâm điểm của kỳ World Cup 2002 tổ chức tại Hàn Quốc và Nhật Bản. Riêng trong kỳ World Cup này, Collina bắt chính trong 3 trận đấu, 2 trong đó có vẻ như được chỉ định một cách có chủ đích. Giống như Fifa đưa ông lên làm con cừu thí cho dư luận nếu có bất cứ điều gì xảy ra vậy. Trận đấu đầu tiên là giữa Anh và Argentina. Kể từ sau pha ghi bàn năm 1986 được mệnh danh là “Bàn tay của Chúa” của Diego Maradona, mâu thuẫn giữa 2 quốc gia đã được đẩy lên cao. Và nó còn tệ hơn khi ngay kỳ World Cup trước đó, David Beckham đã phải nhận thẻ đỏ sau khi va chạm với Diego Simeone, biến anh thành tâm điểm chỉ trích của báo giới Anh khi đội tuyển nước nhà bị loại một cách tức tưởi ở vòng 1/16. Trận đấu diễn ra một cách trơn tru với chiến thắng của Anh Quốc, đưa Argentina tới thẳng de_airport. 
Còn về trận đấu tiếp theo, đó là trận chung kết giữa Đức và Brazil. Phải nhắc lại tình hình của dư luận khi ấy, World Cup 2002 thực sự là một cơn ác mộng với fan túc cầu, và là vết nhơ lớn được gây ra bởi giới cầm quyền và các vị vua áo đen. Đặc biệt là các trận đấu có Hàn Quốc tham gia. Vào thời điểm đó, Hàn Quốc hạ gục một tuyển Bồ Đào Nha với hàng loạt những cái tên Rui Costa, Vítor Báia và Luis Figo ở thời kì đỉnh cao nhất, nó là một điều không tưởng. 2 thẻ đỏ dành cho BĐN, Park Ji-sung ghi bàn thắng duy nhất đưa Hàn Quốc vào vòng 1/16. Không có gì quá lộ liễu ở đây vì những pha phạm lỗi của tuyển BĐN cũng khá rõ ràng. Nhưng ở trận đấu tiếp theo với Italy, việc Ý thất bại dưới tay của Hàn Quốc khi ấy cũng tương tự việc MU để thua Brentford hẳn 4-0 vậy. Nhưng MU thua là do thực lực, còn Italy thua tại những vị vua áo đen. Người được chỉ định bắt chính trận đấu đó là Byron Moreno, trọng tài chính thức của Fifa từ năm 1996. Ông này vốn có một lịch sử khá sus khi từng kéo thời gian bù giờ lên tận 13 phút trong một trận đấu và gián tiếp giúp đội tuyển đang bị dẫn trước lội ngược dòng. Trở lại cuộc đối đầu giữa Hàn và Italy. Chỉ 5 phút sau khi trận đấu bắt đầu, Moreno đã chỉ ngay vào chấm phạt đền cho Hàn Quốc ở một lỗi không rõ ràng. Buffon cản phá xuất sắc pha Penalty vô lý ấy, nhưng đó chỉ là sự khởi đầu cho cơn ác mộng. Tuyển Hàn bắt đầu chơi một trận đấu như thể sân bóng là võ đài đối với Italy. Trận đấu ấy có thể coi như là một trong những trận Taekwondo đẹp mắt nhất trong lịch sử World Cup, còn vị hung thần áo đen có vẻ như không quan tâm về điều đó lắm. Tommasi bị xoạc bóng trúng chân khi đang trên đà tấn công và không có gì xảy ra cả. Del Piero ăn cùi trỏ trong vòng cấm địa và không có gì xảy ra cả. Maldini bị sút vào đầu, không có gì xảy ra cả. Tuyển thủ Ý nằm gục trên sân, máu me be bét khắp khuôn mặt, cũng như Thiên An Môn năm 1989 vậy, chẳng có gì xảy ra cả. Hết 90’ thời gian chính thức, luật bàn thắng vàng khi ấy vẫn còn được áp dụng. Totti tấn công và bị đẩy ngã một cách thô bạo bởi các tuyển thủ Hàn Quốc, chắc chắn là một pha phạt đền nhưng Moreno từ chối và cho đội chủ nhà được hưởng một pha phát bóng lên. Không những vậy, Moreno còn phạt Totti thẻ vàng thứ 2 và đưa anh ra ngoài đường biên. Tomasi sau đó cũng gần như đã ghi một bàn thắng mười mươi nhưng nó được phù thủy áo đen biến hóa thành một pha việt vị. Thi đấu thiếu người và có tinh thần ức chế, Italy để Hàn Quốc ghi bàn bởi Ahn Jung-Hwan. Có lẽ người duy nhất đồng tình với trận đấu gây tranh cãi ấy là người dân Hàn Quốc. Các trang tin toàn thế giới ngay lập tức giật tít coi trận đấu là một vết nhơ đối với lịch sử bóng đá. Thủ tướng Ý khi đó công khai phát biểu rằng “trận đấu này là một sự sỉ nhục, như thể toàn bộ hội đồng trọng tài đã họp bàn với nhau để đồng lòng hất cẳng chúng tôi ra khỏi giải đấu”. 
Trận đấu tiếp theo trong vòng 1/16 cũng không khá khẩm hơn là bao. Trận đấu bóng đá tiếp tục biến thành một trận Boxing, các cầu thủ Hàn Quốc thượng cẳng chân hạ cẳng tay khắp nơi. Những chú bò tót nay lại trở thành kẻ bị húc. Mọi đường chuyền hợp lệ của TBN đều trở thành lỗi việt vị. Các bàn thắng rõ ràng của đội khách đều không được công nhận. Vậy là trận đấu đi vào loạt đá luân lưu. Chắc là các vị hung thần áo đen không thể làm trò trong loạt sút Penalty đâu phải không? Thực ra là có. Cú sút lỗi xảy ra khi thủ môn của phía Hàn Quốc đứng quá cao so với vạch vôi, đáng lý là bên TBN phải được sút lại nhưng không. Tây Ban Nha theo gót giày của Italy, ra về một cách tức tưởi.
Trong hoàn cảnh đó, khi lòng tin của công chúng và các fan hâm mộ túc cầu vào các vị vua áo đen không còn nữa, Pierluigi Collina bị đưa vào bắt trận chung kết như một cách để xoa dịu và lấy lại hình ảnh của Fifa với dư luận nhờ vào vị thế sẵn có của ông. Có rất nhiều chỉ trích tới hội đồng trọng tài trong kỳ World Cup ấy, nhưng về phía Collina, không có một lời phàn nàn nào nhắm về phía ông cả. Đơn giản, vì ông đã hoàn thành quá xuất sắc các trận đấu do mình đảm nhiệm. Mọi quyết định ông đưa ra đều chính xác và không bị xoay chuyển bởi những thế lực bên ngoài. Ngược lại, đối với Byron Moreno, anh này bị treo còi và trở thành kẻ thù của một, hoặc nhiều quốc gia. Để thoát khỏi mọi sự chỉ trích, Moreno từ chức và giải nghệ. 7 năm sau đó, anh này lại bị bắt tại New York khi giấu 13 pounds hàng trắng trong quần lót. Thủ môn huyền thoại Buffon khi được phỏng vấn về sự kiện này, ông nói: “13 pounds thuốc cấm á, tôi thấy không lạ lắm, vì ngay từ năm 2002 hắn ta đã có những thứ đó rồi, nhưng khi ấy, nó nằm ở trong dạ dày cơ”. 
Tới năm 2004, vì độ tuổi giới hạn cho trọng tài của Fifa mà có vẻ như Collina sẽ không thể làm trọng tài chính thức cho một trận chung kết Euro nào nữa. Nhưng hội đồng trọng tài Italy quyết định thay đổi giới hạn độ tuổi lên thêm một năm chỉ để giúp Collina có thể đạt được mong muốn. Quá đủ để chứng minh được tầm ảnh hưởng của ông là lớn thế nào đối với bóng đá thế giới. Nhưng mọi thứ không diễn ra được lâu. Collina quyết định ký hợp đồng để làm gương mặt đại diện cho hàng Opel, cũng là nhãn hàng đang tài trợ cho AC Milan. Điều này khiến hội đồng không hài lòng cho lắm, và không cho phép Collina được đảm nhận bất cứ trận đấu tâm điểm nào cho đến khi hợp đồng quảng cáo này chấm dứt. Nhưng Collina chê, ông viết đơn từ chức rồi gửi lại thẳng cho hội đồng. Các sếp lớn trên hội đồng cũng đã có những nỗ lực nhằm từ chối đơn của Collina, thậm chí còn nhượng bộ,  nhưng ông vẫn kiên định với quyết định của mình. Tới năm 2006, vụ bê bối lớn nhất lịch sử bóng đá Ý xảy ra, được biết tới như là vụ Calciopoli Scandal. Tất cả các trọng tài trong giải đấu Serie A đều bị nghi ngờ có liên quan và dính líu tới các vụ bán độ cũng như dàn xếp tỉ số. Ở trong mớ hỗn độn đó, Collina là người duy nhất dám đứng lên và phủ nhận tất cả các cáo buộc hướng về phía mình trong quãng thời gian mình còn đang cầm còi. Mặc kệ tất cả những sự mục rữa trong hệ thống trọng tài, Collina là một trong số những người hiếm hoi đảm nhiệm các trận đấu lớn và vẫn giữ được tính chuyên nghiệp, không bị ảnh hưởng bởi những tác nhân ngoại quan. 
Pierluigi Collina trở thành một huyền thoại sống trong giới bóng đá mà không ở vai trò cầu thủ. Ông là trọng tài duy nhất đổi áo cho một cầu thủ khác, là chiếc áo số 7 của David Beckham theo thỉnh cầu của Sir Alex Ferguson, 6 lần là trọng tài xuất sắc nhất thế giới của IFFHS, ghi tên vào sảnh danh vọng của hội đồng bóng đá Ý, 7 lần là trọng tài xuất sắc nhất năm của giải Serie A, và góp công lớn định hình tiêu chuẩn cho giới trọng tài trên cả thế giới. Nhưng ẩn sau khuôn mặt đáng sợ với ánh nhìn sắc như dao cạo lại là một người đàn ông hiền lành, dễ mến và tận tụy với công việc cầm cân nảy mực. Ông là sự tổng hòa hoàn hảo của kỉ luật và sự đồng cảm, và có lẽ sẽ chẳng có một vị trọng tài nào có được sự cân bằng tuyệt vời đến thế.